The Thao & Van Hoa

Những suy tư về hồn cốt của Hà Nội

Thể thao và Văn hóa

- • NguyễN TrươNg Quý

Hà Nội trong mắt ai là một bộ phim tài liệu luận đề, khác biệt so với kiểu chính luận đương thời (đầu thập niên 1980) chính là một cách dẫn chuyện nhiều chất thơ. Chất cổ điển, nghiêm ngắn cùng nhịp tự sự về đề tài khơi lại dòng chảy lịch sử của mảnh đất Hà Nội, vốn vẫn được quan tâm từ lâu song có lẽ đến bộ phim này, việc đặt ra một câu hỏi chất vấn về sự bảo tồn những giá trị quá khứ mới thực sự tạo ra hiệu ứng lan truyền.

Bản thân bộ phim chọn cách kể tản mạn, tựa như một thiên tiểu luận bằng hình ảnh, cho phép người làm phim có thể chắp nối các câu chuyện có vẻ rời rạc thành một tổng thể. Hà Nội trong mắt ai là một câu hỏi, hay là một ký thác từ câu chuyện của nhạc sĩ khiếm thị Văn Vượng, là một chất kết dính từ cả ý tưởng lẫn giai điệu âm nhạc gắn các tự sự lại với nhau. Những khuôn hình của bộ phim như ngẫu nhiên mà có chủ ý khi bàng bạc thể hiện một Hà Nội qua biến thiên dâu bể nghìn năm, lấp lánh một vẻ đẹp hoài niệm. Cảnh trí của Hà Nội vào năm 1982-1983 được quay bằng phim màu cũng đã thành một món quà của sự hoài niệm đối với người xem thời nay.

Bộ phim thành tư liệu quý khi ghi lại những thước phim về họa sĩ

Bùi Xuân Phái vẽ trên đường phố Hà Nội hay những cảnh sinh hoạt nay đã thành thứ chỉ có trong bảo tàng. Hà Nội của một thuở bộn bề gian khó, mang một vẻ đẹp nhẫn nại, dù nghèo về vật chất nhưng bù lại ẩn náu trong thiên nhiên: Một Hồ Tây hoang vu giữa những xóm làng, thôn Nghi Tàm trồng hoa có “những hàng ô rô ta vẫn xén” đẹp đến mộng mị, một mái chùa vút cong lên nền trời không

bị vướng một khối bê tông nào bên cạnh.

Những người làm phim được liệt kê trên generique thời ấy có lẽ không định làm một luận đề to tát. Câu chuyện của Hà Nội trong mắt

phần nào tương trùng với những gì các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cứu văn hóa đã thực hiện trong tiến trình phục dựng chân dung một đô thị mang bản sắc lâu đời, vốn bắt đầu từ thời thuộc địa. Đi tìm một

bản sắc Hà Nội đã được khởi lên từ tâm thức giải thuộc địa và trong cao trào độc lập thập niên 1940, cho đến thập niên 1980 khi đất nước trở lại trạng thái hòa bình, trở thành một nhu cầu bức thiết.

Các nhà làm phim như Đào Trọng Khánh và Trần Văn Thủy dường như dự cảm một sự đổi thay của thành phố khi các ông cho thấy từ lúc đó, những người trẻ tuổi đã dần lãng quên quá khứ. Tất nhiên việc để cho những nhân vật thanh niên phát ngôn các luận đề có phần lộ liễu và dàn dựng, nhưng ngay cách phát biểu mang tư cách cá nhân vào thời điểm đó cũng đã là một sự mới mẻ.

Xét cho cùng, mọi tác phẩm đều bị sự khắc nghiệt của thời gian thách thức, nhưng điều các tác phẩm như Hà Nội trong mắt ai làm được là đã gói lại được hồn vía một thời, thứ không thể có được lần thứ hai.

Hơn thế, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa đã vượt ra khỏi khuôn khổ một bộ phim. Bằng chứng cho sự thành công của bộ phim ngoài việc “thừa thắng” cho ra đời phần tiếp theo - Chuyện tử tế (1985) - còn là sự khơi gợi những tiền đề của đổi mới trong nếp nghĩ sâu xa bên trong, chuẩn bị cho những sự đổi mới dễ thấy khác. Hẳn rằng chất thơ và không khí trữ tình của bộ phim đã cung cấp cho kho văn hóa đại chúng đô thị một cách cảm, một cái gu thẩm mỹ đặc trưng. Một Hà Nội vương vấn phong thái hào hoa, một sự trình bày có chút làm dáng nhưng vừa đủ để làm nên sự thú vị.

Bộ phim không đi theo lối khoa trương những thành tựu mà dừng lại lâu ở những trăn trở, những suy tư về hồn cốt, giá trị của Hà Nội, thứ có thể từng bị coi là sách vở nhưng càng ngày càng cho thấy vai trò trong việc định hình một nơi chốn có đáng sống hay không.

 ?? ?? Hình ảnh trong phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy
Hình ảnh trong phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy

Newspapers in Vietnamese

Newspapers from Vietnam